Người phụ nữ gửi tiết kiệm 71 triệu đồng, 2 tháng sau phát hiện tiền đã được dùng để mua bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng khẳng định: “Đã có sự đồng ý của khách hàng”
Sau 2 tháng gửi tiết kiệm, người phụ nữ Trung Quốc tá hỏa khi biết tiền của mình đã được dùng để mua bảo hiểm.
Theo The Paper, ngày 9/6/2022, bà Bành ở Hồ Bắc, Trung Quốc, đến chi nhánh Trạch Khẩu của Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc tại thành phố Tiềm Giang để gửi tiết kiệm 20.000 NDT (hơn 71 triệu đồng). 2 tháng sau đó, vào ngày 31/8, khi quay lại ngân hàng để rút tiền, bà được nhân viên thông báo số dư thực nhận chỉ còn hơn 9.000 NDT (hơn 32 triệu đồng).
Về nhà, bà Bành kể lại chuyện này cho con trai. Sau khi giúp mẹ kiểm tra kỹ chứng chỉ tiền gửi, con trai bà phát hiện đó không phải là sổ tiết kiệm mà là một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Thêm vào đó, hợp đồng này có tổng cộng 25 trang nhưng mẹ anh chỉ được phát 2 trang. Theo nội dung ghi ở bên trong, gói bảo hiểm mà bà Bành mua là bảo hiểm nhân thọ trọn đời, yêu cầu khách hàng nộp phí trong 3 năm liên tiếp, mỗi năm 20.000 NDT. Đặc biệt, khoản tiền này chỉ có thể được rút toàn bộ sau ít nhất 6 năm. Nếu rút trong năm đầu tiên, bà Bành chỉ nhận lại 9.749 NDT; nếu rút sau năm thứ hai, số tiền là 26.049 NDT; còn nếu rút sau năm thứ ba, bà sẽ nhận được 56.138,6 NDT.
Nghe con trai nói vậy, bà Bành vô cùng hoang mang. Bà cho biết hôm đến ngân hàng gửi tiền tiết kiệm, vì không biết chữ và sử dụng điện thoại di động, bà đã được nhân viên ngân hàng hỗ trợ thực hiện thủ tục gửi tiền. Để làm rõ sự việc, ngày 2/9, mẹ con bà Bành đến ngân hàng hỏi nguyên do và yêu cầu ngân hàng hoàn tiền. Sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện, nhân viên ngân hàng cho biết họ đã giải thích rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm cho bà Bành trước khi giúp bà làm thủ tục:
"Lúc đó, chúng tôi đã nói rõ với cô rằng đây là hợp đồng bảo hiểm do ngân hàng làm đại diện phân phối nên cô không cần trực tiếp giao dịch với công ty bảo hiểm. Hiện nay, lãi suất tiền gửi thông thường khá thấp, trong khi cô lại chưa cần dùng đến khoản tiền này nên chúng tôi gợi ý cô nên mua bảo hiểm này để hưởng lãi suất cao hơn. Đây cũng giống như một hình thức tiết kiệm để nghỉ hưu. Cô chỉ cần gửi 20.000 NDT mỗi năm, sau 3 năm không cần nộp thêm, sau 6 năm có thể rút được hơn 65.000 NDT. Lúc đó, cô đã đồng ý nên chúng tôi mới giúp cô làm thủ tục.”
Tuy nhiên, khi bà Bành khẳng định bản thân không biết đọc và cũng nói với nhân viên ngân hàng là muốn gửi tiết kiệm chứ không phải mua bảo hiểm. Con trai bà Bành cũng bức xúc nói: "Tiền gửi là để tiết kiệm, còn bảo hiểm là phải trả phí. Chị nói mua bảo hiểm giống gửi tiết kiệm thì làm sao mẹ tôi hiểu được!”
Nhân viên ngân hàng vội tiếp lời: “Ý tôi là gửi tiết kiệm và mua bảo hiểm có phương thức lưu trữ giống nhau, đều gửi tiền vào ngân hàng. Số tiền mẹ anh gửi vào vẫn được chuyển vào ngân hàng và thực hiện thông qua chuyển khoản từ thẻ ngân hàng. Hiện nay, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm Trung Quốc, đều thuộc cùng một hệ thống tài chính nên những giao dịch này thực hiện rất dễ dàng và nhanh gọn ."
“Vậy tiền của mẹ tôi hiện đang nằm trong tài khoản ngân hàng hay là tài khoản của công ty bảo hiểm?", con trai bà Bành tiếp lời.
Nhân viên ngân hàng đáp: "Tiền hiện đang nằm trong tài khoản của công ty bảo hiểm. Tất cả những thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, chúng tôi đã nói rõ với mẹ anh và hợp đồng chỉ được thực hiện sau khi có sự đồng ý của bà."
![]() |
Ảnh minh hoạ: Sohu |
ĐĂNG BÌNH LUẬN